Như Thật Tướng

Như thật tướng là không điên đảo tức là giữ trung đạo. Phàm phu có bốn thứ điên đảo :

  1. Chẳng phải thường mà cho là thường.
  2. Chẳng phải vui mà cho là vui.
  3. Chẳng phải ngã mà cho là ngã.
  4. Chẳng phải tịnh mà cho là tịnh.

Bốn thứ điên đảo của hàng nhị thừa.

  1. Cái thường mà cho là chẳng thường.
  2. Cái vui mà cho là chẳng vui.
  3. Cái ngã mà cho là chẳng ngã.
  4. Cái tịnh mà cho là chẳng tịnh.

Bồ Tát cũng có điên đảo, chỉ có Phật là bậc đại giác. Cho nên, chín pháp giới chúng sinh đều sinh tồn ở trong điên đảo, niệm niệm thay đổi, có lúc cảm thấy tốt, có khi cảm thấy chẳng tốt. Kỳ thật chẳng có phân chia tốt và không tốt, tất cả đều từ nghĩ điên đảo mà ra. Nếu hay giữ trung đạo thì chẳng điên đảo. Học tập Phật pháp tức là muốn không điên đảo, chẳng học tập Phật pháp thì điên đảo. Giữ quy cụ thì chẳng điên đảo, không giữ quy cụ là điên đảo. Chúng ta nên tự phản tỉnh, nếu làm những chuyện điên đảo thì hãy mau sửa đổi !

Bài viết hôm nay sẽ thảo luận về câu “Như Thật Tướng”.

Như” tức là chẳng rơi vào không, chẳng rơi vào có, ‘’Không‘’, ‘’Giả‘’, ‘’Trung‘’ ba đế như một. Không tức giả, giả tức trung; một giả thì tất cả đều giả, một không thì tất cả đều không, một trung thì tất cả đều trung. Ba đế như một là ‘’Như‘’.

Thật” tức chẳng phải bảy phương tiện. Bảy phương tiện tức bảy hiền vị của Thanh Văn. 3 hiền + 4 thiện căn = 7 phương tiện

– “3 hiền” là: Ngũ đình tâm quán, Biệt tướng niệm xứ và Tổng tướng niệm xứ

  • Ngũ đình tâm quán là năm phép quán dừng tâm, tức là dùng năm phép quán niệm để đình chỉ năm lỗi của tâm
  • Biệt tướng niệm xứ là quán niệm từ lãnh vực riêng, tức là tu tập bốn lãnh lãnh vực quán niệm, mỗi lẫn chỉ quán niệm về một lãnh vực
  • Tổng tướng niệm xứ là quán niệm chung các lãnh vực, tức là tu tập bốn lãnh vực quán niệm, mỗi khi quán niệm về một lãnh vực, cùng lúc cũng quán niệm cả ba lãnh vực kia (vô thường, vô ngã, khổ)

4 thiện căn là: Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế đệ nhất pháp. Được gọi là phép quán về bốn sự thật trí trong các pháp hữu lậu của thế gian.

Vị tu hành Thanh Văn trải qua 7 phương tiện và đạt được tứ thánh quả: Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn và A La Hán. Khi đạt được quả vị tứ quả A La Hán thì chấm dứt phần đoạn sinh tử. Tuy không còn phải tái sinh và trải qua 6 cõi luân hồi, nhưng vọng tưởng niệm niệm vi tế khởi lên chưa đoạn sạch, cho nên gọi là hữu lậu. Chỉ có Phật mới đoạn hết vọng tưởng, cho nên gọi là vô lậu. Thật trong Như Thật Tướng là thật trí trong pháp vô lậu.

Sinh tử có hai thứ : Phần đoạn sinh tử và biến dịch sinh tử. Bảy phương tiện trên là điạ vị của các bậc Thanh Văn tu hành để đoạn sinh tử, song vẫn còn biến dịch sinh tử. Thanh Văn đã dứt phần đoạn sinh tử, Bồ Tát đã dứt biến dịch sinh tử.

“Thật” tức là vượt qua quả vị của bảy phương tiện, không còn điên đảo, tức là vọng tưởng niệm niệm vi tế khởi lên được đoạn sạch. Trong kinh Pháp Hoa viết cách tu hành qua quán sát nhất thiết pháp không “Như Thật Tướng”.

 

Đại sư Trí Giả một đời lễ bái Kinh Pháp Hoa. Lúc Đại sư Trí Giả mười mấy tuổi nghe một vị Pháp sư tụng Phẩm Phổ Môn, Ngài vừa nghe qua liền nhớ hết, giống như kiếp trước Ngài đã từng tụng kinh này. Đến lúc Ngài gặp Đại sư Nam Nhạc, Đại sư dạy Ngài đọc tụng Kinh Pháp Hoa, lễ bái Kinh Pháp Hoa, Khi Ngài lễ bái đến Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự, thì chợt khai ngộ. Đại sư Nam Nhạc liền ấn chứng cho Ngài đã đạt được cảnh giới tiền phương tiện của Pháp Hoa Tam Muội –Triền Đà La Ni.

Trong Kinh Pháp Hoa có đề cập đến ‘’Tất cả pháp không‘’ là tổng tướng, “Như thật tướng” đến “không chướng” mười tám pháp không là biệt tướng, tất cả tướng nhờ nhân duyên có, từ điên đảo sinh, cho nên thường thích quán các thứ pháp tướng, xem tất cả đều không.

 

18 pháp không đó là

Như thật tướng, bất điên đảo, bất động, bất thoái, bất chuyển, như hư không, vô sở hữu tánh. Nhất thiết ngữ ngôn đạo đoạn, bất sanh, bất xuất, bất khởi, vô danh, vô tướng, thật vô sở hữu, vô lượng, vô biên, vô ngại, Vô chướng

  1. Như Thật Tướng” là không thứ nhất, đã giải thích ở phần trên
  1. Bất Ðiên đảo“: Thường cho là vô thường, vui cho là khổ, ngã cho là chẳng phải ngã, tịnh cho là chẳng phải tịnh; ở trên là điên đảo của hàng nhị thừa. Bồ Tát cũng có điên đảo, chỉ có Phật là bậc đại giác. Cho nên, chín pháp giới chúng sinh đều sinh tồn ở trong điên đảo, niệm niệm thay đổi, có lúc cảm thấy tốt, có khi cảm thấy chẳng tốt. Kỳ thật chẳng có phân chia tốt và không tốt, tất cả đều từ nghĩ điên đảo mà ra. Nếu hay giữ trung đạo thì chẳng điên đảo. Học tập Phật pháp tức là muốn không điên đảo, chẳng học tập Phật pháp thì điên đảo. Giữ quy cụ thì chẳng điên đảo, không giữ quy cụ là điên đảo. Chúng ta nên tự phản tỉnh, nếu làm những chuyện điên đảo thì hãy mau sửa đổi!  Không điên đảo là nội không. Nội không (bên trong) không có sáu nhập: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đều không, cho đến vô ngã.
  1. Bất động” là định, chẳng sợ gì; ngồi thiền mà được như như bất động, thì chẳng bị cảnh giới chuyển. Ngồi thiền thì dù gặp cọp cũng chẳng sinh tâm sợ sệt, gát việc sinh tử ra ngoài, xem sinh tử nhất như. Có người nói : ‘’Tôi chẳng sợ chết, cho nên chẳng cần học Phật pháp để dứt sinh tử, mà tôi thì chẳng sợ sinh tử, cho nên chẳng cần học Phật pháp.’’ Bạn không sợ sinh tử, chẳng học Phật pháp, sinh tử chẳng dứt, cho nên chẳng bao giờ chấm dứt được. Khi ngồi thiền chẳng vì sinh tử làm lay động, tức là định lực. Không có ngã chấp là bất động. Bất động là ngoại không; ngoại không (bên ngoài) chẳng có sáu trần, không bị sáu trần làm giao động.
  1. Bất thối” trí bi chẳng thối chuyển, thân tâm tịch diệt chẳng có vọng tưởng, cho nên có đại trí đại huệ. Tức cũng là liễu tính bình đẳng, chẳng sinh thối lùi. Không thối lùi là nội ngoại không. Chẳng thối chuyển làm phàm phu, chẳng thối chuyển làm hàng nhị thừa.
  1. Bất chuyển” chẳng thọ luân hồi sở chuyển, chẳng lưu chuyển ở trong sinh tử của phàm phu, cũng chẳng ở trong nhị thừa chuyển phàm làm Thánh. Không chuyển là không không, không hay phá tất cả pháp, tức chẳng có ngã chấp (chấp cái ta), chẳng có pháp chấp, tức là pháp không, quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng, cho nên không chuyển.
  1. Như hư không” giống như hư không, Kinh Hoa Nghiêm có nói :‘’Nếu ai muốn biết cảnh giới của Phật, Hãy tịnh ý mình như hư không‘’. Chẳng có một vật gì tức là ‘’hư không‘’, hết thảy mọi vật đều bị hư không bao hàm. ‘’Như hư không’’ là đại biểu cho danh từ, tuy có danh từ, song chẳng có tự tánh, đừng có đầu lại thêm đầu, đi khắp nơi tìm hư không. ’Như hư không là thái không.
  1. Vô sở hữu tánh” là chẳng có tự tánh’, chẳng có tha tánh, chẳng có cộng tánh, chẳng có nhân tánh cũng chẳng có quả tánh, tất cả đều không, Vô sở hửu tánh’ tức là tất kính không
  1. Nhất thiết ngữ ngôn đạo đoạn” là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt. Do đó, có câu: “Miệng muốn nói mà lời đã hết, Tâm muốn duyên mà suy nghĩ chẳng còn nữa”.
    Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt. Do đó :
    ‘’Tất cả pháp hữu vi
    Như mộng huyễn bọt bóng
    Như sương cũng như điện
    Hãy quán chiếu như thế.’’
  1. Bất sanh” chẳng sinh vô minh, chẳng sinh trí huệ, tức chẳng sinh vô minh, cũng chẳng sinh trí huệ, tức là vào cảnh giới : ‘’Không nghĩ thiện, không nghĩ ác.’’ Chẳng có vô minh, chẳng có trí huệ, là bổn lai tự tánh đại quang minh tạng, cho nên chẳng có chỗ phá, cũng chẳng có chỗ năng phá, đó là lý thể ‘’Không sinh‘’. Trong cảnh giới nầy : Hành, vị, nhân, quả, thảy đều chẳng sinh. Không sinh là hữu vi không, pháp hữu vi do nhân duyên hòa hợp mà sinh, không hòa hợp thì không sinh, cho nên gọi là hữu vi không.
  1. Bất xuất” tức là không nhập, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng ra chẳng vào. Bổn thể của Như Lai tu là, đạt đến chỗ cứu kính, cho nên chẳng xuất chẳng nhập, chẳng có vô minh cũng chẳng có trí huệ đáng nói.  Bất xuất là vô vi không, ‘’vô vi vô khởi diệt, chẳng thật như không hoa‘’, vô vi tức là xuất ly, xuất ly tất cả pháp, xuất ly đã không, cho nên ‘’không xuất‘’.
  1. Bất khởi” là vô thủy không, trong Kinh Ðại Bát Nhã có đề cập đến vô thủy không, vì ‘’khai thủy‘’ bất khả đắc, cho nên gọi là vô thủy không, chứng được lý thể như thế, thì khiến cho tất cả phương tiện quyền pháp đều vắng lặng.
  1. Vô danh” chẳng có một tên gọi để đại biểu đạo lý nầy. Từ không điên đảo, đến không khởi, chẳng có một cái tên nào để gọi, đó là tánh không.
  1. Vô tướng” là tướng không. Không tên không tướng, cũng có thể giải thích là thật vô sở hữu (chẳng có gì cả). Vô Tướng là chẳng có bất cứ tướng nào, có thể làm cho nó biểu hiện ra. Từ điên đảo đến chẳng khởi, chẳng có bất cứ hình tướng nào có thể hình dung, đó là tướng không.
  1. Thật vô sở hữu” là chẳng thể được không, quán thể khen ngợi trung đạo, chẳng rơi vào không, chẳng rơi vào có, chẳng có một vật.
  1. Vô lượng” là có pháp không, có lượng tức có pháp, có lượng không tức có pháp không. Vô lượng tức là pháp vô số lượng. Pháp có số lượng như là năm ấm : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức; sáu căn, sáu trần, hợp lại gọi là mười hai nhập (còn gọi là mười hai xứ), thêm vào sáu thức là mười tám giới. Ở trên đây đều là pháp có số mục. Quán trung đạo là vô số lượng, tức là toàn số mục, là không thiếu không thừa.
  1. Vô biên” là chẳng có pháp không, pháp là biên, chẳng có pháp tức vô biên. Vô biên là không bờ không bến. Tất cả các pháp trong tiểu thừa đều có nhất định, cho nên có biên tế. Chẳng có pháp nhất định mới là vô bờ vô bến.
  1. Vô ngại” là hữu pháp vô pháp không, hữu pháp không không, đều rõ bất khả đắc, cho nên là vô ngại, cũng là trung đạo quán trí vào khắp tất cả các pháp, mà chẳng có chướng ngại.
  1. Vô chướng“, tức giáo không, phương ngại giá chướng đều bất khả đắc, cho nên không chướng. Chẳng có một pháp nào có thể che đậy chướng ngại trung đạo quán trí.

Đãn dĩ nhân duyên hữu” – có nghiã là tất cả pháp chỉ nhờ nhân duyên mà có, từ điên đảo mà sinh ra. Ðạo lý bên trong là vô cùng vô tận, giảng kinh chỉ là lược thuật đại khái mà thôi. ‘’Quán tất cả pháp không‘’, mười tám câu kinh văn sau, có thể y chiếu mười tám (cái) không của Kinh Ðại Bát Nhã để giải thích; lại có thể dùng tất cả pháp để giải thích. Tất cả pháp như thật tướng, tất cả pháp không điên đảo, tất cả pháp bất động, tất cả pháp không thối lùi, tất cả pháp không chuyển, tất cả pháp như hư không, tất cả pháp vô sở hữu, tất cả pháp ngữ ngôn đạo đoạn, tất cả pháp không sinh, tất cả pháp không xuất, tất cả pháp không khởi, tất cả pháp không tên, tất cả pháp không tướng, tất cả pháp thật vô sở hữu, tất cả pháp vô lượng, tất cả pháp vô biên, tất cả pháp không ngại, tất cả pháp không chướng.

Ðừng điên đảo, thêm vào sự phân biệt có không của các pháp, đây là pháp thật, kia là pháp giả, đây là có sinh, kia là chẳng sinh. Nên ở chỗ vắng vẻ tu nhiếp tâm mình, an trụ bất động, đứng vững bất động như núi Tu Di. Yên lặng quán tất cả các pháp đều chẳng có, giống như hư không, chẳng có tự thể, cho nên chẳng kiên cố. ‘’Không sinh không xuất‘’, ‘’không động không lùi‘’, ‘’thường trụ một tướng‘’, thường trụ ở tướng chẳng có chẳng không, đó gọi là chỗ tu hành của Bồ Tát.

Nếu quý vị thường xuyên tụng kinh Pháp Hoa, thì nên thiền quán 18 pháp không, trong phẩm An Lạc. Quý vị sẽ sớm ngày đắc được Pháp Hoa Tam Muội