Người – Thịt

“Trong chữ thịt có hai người
Bên trong chiếu người bên ngoài
Chúng sinh còn ăn thịt chúng sinh
Suy gẫm kỹ thì người ăn người”.

Trong chữ thịt có hai người, một là người ăn thịt, một là người bị ăn. Người ăn thịt thì đầu ở ngoài thịt; người bị ăn thì đầu ở trong thịt. Đời này bạn ăn thịt tôi, đời sau tôi sẽ ăn thịt bạn, đó là nhân quả trả vay.

Cho nên thế giới không có ngày nào hoà bình, khi nào oán cừu đến thì sẽ xảy ra chiến tranh; nhân cơ hội đó, chúng sinh tàn sát lẫn nhau, đó đây vay trả lẫn nhau, chẳng phải vay nợ, thì là trả nợ. Đây là nhân quả báo ứng, tơ hào không sai.

Người bên ngoài chữ thịt, thì ăn người bên trong chữ thịt. Người nầy cũng có thể là bạn bè của bạn trong đời trước, đời này đã thay hình đổi dạng, bạn ăn thịt của nó, liền kết thêm oán cừu. Tương lai, nó sẽ phục thù, chắc chắn sẽ đến ăn thịt của bạn, thì mới hả giận. Do đó có câu: “Oán oán tương báo”, vĩnh viễn không khi nào chấm dứt. Nếu bạn không ăn thịt, thì tất cả mọi oán cừu sẽ được hoá giải, hoá địch thành bạn.

Người ở trong thịt, cũng có thể là người thân của bạn trong quá khứ, hoặc là anh em chị em không chừng, hoặc là cha mẹ con cái. Tóm lại, có thể là người thân cốt nhục. Họ đã thay mắt đổi mày, bạn có thể nhẫn tâm ăn thịt của họ chăng?

Cho nên Phật giáo đề xướng bình đẳng, từ bi, không nhẫn tâm ăn thịt chúng sinh. Vậy, làm thế nào để trở thành tập quán không ăn thịt? Phương pháp rất là đơn giản, khi nào bạn muốn ăn thịt, thì liền quán tưởng hình chữ trên và nghĩ rằng: “Đây là thịt tử thi, hôi quá không thể ngửi”. Quán tưởng như thế, thì ba ngày sau làm gì mà còn tâm hồn ăn thịt nữa! Người thích ăn thịt, đừng ngại hãy thử xem biện pháp nầy.