Khế hợp Như Lai tạng với Bốn đức niết-bàn
Như Lai tạng chính là bổn diệu viên tâm
Bốn đức niết-bàn là Thường Lạc Ngã Tịnh:
“Thường” tức là không lay động, không thay đổi.
“Lạc” là tràn đầy niềm vui diệu pháp.
“Ngã” là đã đạt được chân ngã.
“Tịnh” là tính chất đặc trưng vốn có trong pháp niết-bàn.
Quay về khế hợp với bốn đức thường lạc ngã tịnh của Như Lai. Cái thấy nghe hay biết vốn sinh khởi từ những vọng duyên. Nay quý vị muốn nó quay trở về và hoàn toàn khế hợp với Như Lai tạng và bốn đức niết-bàn, thường lạc ngã tịnh.
Trước hết quý vị phải xác định cái gì là cội gốc sanh tử, rồi nương vào tánh không sanh không diệt, rỗng lặng trùm khắp để thành tựu. Dùng tâm thanh tịnh, vắng lặng, viên mãn thì quý vị sẽ khế hợp với tánh Như Lai tạng.
Dùng cái vắng lặng mà xoay chuyển các thứ sanh diệt hư vọng. Dùng tính vắng lặng của Như Lai tạng để khiến cho cái hư vọng xoay chuyển và không còn hư vọng nữa, để trở về nơi bản giác. Hàng phục mọi phiền não, trở về với bản giác. Lấy tánh giác sáng suốt không sanh diệt làm cái tâm tu nhân. Đây là tâm mà quý vị dùng để phát khởi tu tập lúc ban đầu. Đừng dùng tâm sanh diệt, mà hãy dùng tâm thanh tịnh vắng lặng viên mãn, không sanh không diệt.
“Tưởng” là chỉ cho vọng tưởng.
Tướng của vọng tưởng là trần. “Tướng” là chỉ cho một trong hai phương diện của thức thứ tám, tướng phần, có nghĩa là tất cả các pháp hữu vi.
Vọng tưởng và tướng hư vọng kết hợp nhau để làm thành trần cảnh. Thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Điều nầy chỉ cho phương diện thứ hai của thức thứ tám, kiến phần, có nghĩa là tính suy lường phân biệt ở bên trong. Trong thức tâm phân biệt, quý vị phát khởi cảm xúc (tình), và từ đó phát sinh ra trần lao. Nguồn gốc của trần chính là cảm xúc (tình).
Điều làm tổn hại con người nhất chính là cảm xúc của họ. Bất luận khi gặp phải hoàn cảnh nào, họ cũng hành xử bằng cảm tính. Cảm xúc (tình) khiến cho con người sinh ra trong cơn say mơ màng và chết đi trong giấc mộng.
Cả hai đều rời bỏ:
1. Tướng của vọng tưởng, đem đến trần cấu,
2. Và thức tình, khiến tạo nên nhiễm ô.
Quý vị muốn tách rời hai khía cạnh của thức thứ tám, tướng phần và kiến phần. Nếu có thể tách rời tưởng ra khỏi tình, thì pháp nhãn của quý vị liền được trong sáng. Pháp nhãn đề cập ở đây không nhất thiết phải là pháp nhãn trong ngũ nhãn lục thông, mà được hiểu là sự khai mở của trí huệ. Càng vi diệu hơn nếu quý vị khai mở được pháp nhãn, đại chúng như vậy, khắp ba đời, mười phương, cho đến tận hư không pháp giới, mọi thứ đều là pháp bảo. Nếu pháp nhãn của quý vị thanh tịnh, quý vị tức thời chấm dứt mê mờ, trong tâm thuần là trí huệ chân thật. Làm sao không thành Vô thượng trí giác? Làm sao mà quý vị không thành tựu Vô thượng trí giác? Chắc chắn quý vị sẽ có được. Chỉ cần từ bỏ sạch hết những vọng trần và thức tình.
Đây chỉ là một đoạn kinh ngắn, nhưng mọi người nên đặc biệt chú ý. Đừng dính mắc vào thức tình và rơi vào phân biệt vọng tưởng. Quý vị nên tách mình ra khỏi các thứ đó. Quý vị có nghe rõ không? Điều nầy rất quan trọng. Đừng xem thường. Đừng ngủ gật bây giờ. Nếu quý vị buồn ngủ và không hiểu phần nầy, thì quả thực quý vị đã mất dịp may. Mọi người nên ghi nhớ đoạn kinh nầy và đừng bao giờ quên.
“Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Cả hai đều rời bỏ, làm sao không thành Vô thượng trí giác?