Lăng Nghiêm Tự
Lăng Nghiêm Tự không phải là một ngôi chùa hay một nơi, một chổ. Vậy Lăng Nghiêm Tự ở đâu, và các vị tu hành tu hành nơi đâu? Câu trả lời đó nằm tại trong ý nghiã của chữ “Lăng Nghiêm Tự”.
Lăng Nghiêm (Śūraṃgama) là tiếng Sanskrit, có nghĩa là bền chắc nhất trong tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ, mọi vật thể, như núi, sông, đất đai, nhà cửa, người, vật, các loài sinh từ bào thai, từ trứng, từ nơi ẩm thấp hoặc loài hóa sinh. Tất cả những thứ đều phải được thể nghiệm qua chiều sâu và tính vững chãi mới có thể đạt được bản thể của định, bản thể của “mật nhơn.”. Khi hành giả đạt được “đại định” của “mật nhơn”, người ấy là một bằng chứng của “liễu nghĩa.”. Khi một hành giả đã đạt được liễu nghĩa, nghĩa là hành giả ấy đã tu tập lục độ vạn hạnh của bồ-tát, đã chứng được “đại hạnh.”. Chứng được “đại hạnh” rồi sau đó mới thành tựu được loại định cứu cánh kiên cố nhất trong các hiện tượng, đó là “đại quả”, kết quả lớn nhất trong tất cả các kết quả. Đó là quả vị Lăng Nghiêm Đại Định.
“Tự” là gì? Chữ Tự có nghiã là chùa, tiếng Anh là Temple. Ngài Đạt La Ma (Dalai Lama) giảng giải ý nghiã chữ Temple như sau:
Tâm là chùa, chùa là tâm. Chùa nằm tại tâm. Trong tâm có chùa. Vậy Lăng Nghiêm Tự đó là gì? Đó là chân tâm, vốn không thể thấy được. Tâm nằm trong lồng ngực mà quý vị có thể trông thấy được, đó chỉ là trái tim, nhiệm vụ nó là để giúp cho quý vị sống còn. Đó không phải là chân tâm. Trái tim ấy chắc chắn không thể nào dẫn quý vị đến sự hiểu biết chân chính. Nếu trái tim trong lồng ngực quý vị là chân tâm, thì lẽ ra nó phải cùng đồng hành với quý vị khi chết đi. Vậy mà sau khi chết thân xác quý vị còn đó mà trái tim vẫn nằm yên trong thân. Thế nên trái tim thịt ấy không phải là chân tâm.
Các ngôi chùa mà quý vị đã đi hành hương viếng thăm là những ngôi nhà che mưa che nắng để quý vị tu hành. Những nơi đó cũng như trái tim của quý vị, nhiệm vụ nó là để giúp cho quý vị sống. Các ngôi chùa đó thường phải tu bổ chăm sóc, nó không giống như Lăng Nghiêm Tự, kiên cố bất sanh bất diệt. Lăng Nghiêm Tự là tâm chân thật và Tâm chân thật của quý vị chính là Phật tánh. “Thế Phật tánh ở nơi đâu?”
Phật tánh chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa. Kinh văn sẽ giải thích đạo lý này rất chi tiết. Trong kinh cũng sẽ giải thích “Thập phiên hiển kiến” (mười lần chỉ bày tánh thấy), đó là “chân tâm.” Đây là nguyên nhân thứ ba khiến Đức Phật tuyên thuyết bộ kinh này, là để chỉ bày rõ cho chúng sinh Thường Trụ Chân Tâm Tánh Tịnh Minh Thể (thể tánh thanh tịnh sáng suốt thường trụ của chân tâm). Chơn tâm này vốn không đi, không đến, không biến đổi, không dao động. Chơn tâm ấy là bản thể, không bị nhiễm ô. Bản chất của chân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Thể tánh của chân tâm hoàn toàn sáng suốt.
Vậy quý vị có nên rời bỏ chùa để lên núi vào hang đá tu hành hay không? Dĩ nhiên là không. Hang động cũng là nơi che mưa che gió. Hang động cũng là tướng, vẫn trải qua sanh trụ hoại không. Đó là tu hành với tâm phân biệt và vọng tưởng. Đem tâm phân biệt (thức) và vọng tưởng mà tu học Phật pháp cũng giống như nấu cát mà mong thành cơm, không thể nào thành tựu được, dù quý vị có tu hành như thế trải qua vô số kiếp, cũng không thể nào thoát khỏi vòng luân hồi, chẳng thể nào thành Phật được.
Yếu chỉ tu hành tại Lăng Nghiêm Tự là phá hủy và làm tiêu tan những vọng tưởng điên đảo này và phá trừ những mê lầm rất vi tế nhỏ nhiệm từ tâm thức. Giáo thể của Lăng Nghiêm Tự cũng căn cứ vào duy thức môn và khi quy về Như Lai Tạng. Tánh quy về chân như, thì không liên quan đến hiện tượng nữa mà nói thẳng đến bản thể nên gọi là quy tánh môn. Quy tánh môn là hoàn toàn viên dung không ngăn ngại, vì thức tâm có thể tánh nhất định, nên tất cả đều quy về chơn tánh. Vậy quy tánh là giáo thể Lăng Nghiêm Tự. Quy tánh môn là quay về với thể tánh của chúng sinh. Khi các môn dung nhiếp với nhau không ngăn ngại, sự lý vô ngại chính là giáo thể của Lăng Nghiêm Tự.
Tu hành tại Lăng Nghiêm Tự không phải tu hành theo Nhị Thừa (Thanh văn, Duyên giác), cũng không phải quyền thừa, mà là Thật Thừa. Thật Thừa là gì? Đó là nhất thừa thật pháp, đó tức là: hoa nở sen hiện, cũng gọi là khai quyền hiển thật. Hoa rụng sen thành, tức gọi là bỏ quyền lợi thật, xả bỏ quyền pháp, tuyên lưu ra diệu pháp chân thật. Thật giáo thượng thừa tức là viên đốn nhất Thừa, cho nên gọi là Thật Thừa, một giáo lý bất biến, hằng vĩnh.
Lăng Nghiêm Tự là ngôi chùa không có tướng thì làm sao mà suy hoại, làm sao mà phá vỡ. Người đời bên ngoài chấp tướng, bên trong chấp không. Nếu có thể nơi tướng ly khai tướng, nơi không rời không, đó chính là không chấp nơi không, không chấp nơi có. Cũng chính là trong ngoài không mê, không mê sẽ không chấp trước, không chấp trước thì không có mê. Nếu có thể hiểu rõ diệu pháp này thì trong một niệm tâm có thể sáng suốt khai ngộ
Cho nên chỗ nào quý vị đi đến, thì chỗ đó là Lăng Nghiêm Tự. Ngay cả trên mạng, trên website nầy, Lăng Nghiêm Tự tại đây đâu có hình thể để quý vị nắm lấy, nhưng nó đang hiện hữu trước mặt quý vị. Chỉ cần quý vị đón nhận nó, thì bạn không cần tốn kiếm một đồng xu, mà quý vị cũng có một Lăng Nghiêm Tự để quý vị tu hành.