Nhận biết chân tâm => Tu tâm => Dụng tâm

Học Phật là học “sử dụng cái tâm”. Phật, Bồ Tát dùng chân tâm, phàm phu dùng vọng tâm. Dùng vọng tâm là không biết dùng tâm. Chẳng biết dùng tâm nên mới gọi là phàm phu hay chúng sanh. Người biết dùng tâm gọi là Phật, Bồ Tát. Thật ra Phật, Bồ Tát và phàm phu chúng sanh chẳng khác nhau, không hai, không khác! Biết dùng cái tâm chẳng phải là chuyện dễ dàng!

Trước hết, phải nhận thức cái tâm. Hiện thời chúng ta không nhận biết, mê mất tâm tánh. Nếu quý vị chẳng tin tưởng lời này, hãy đọc kinh Lăng Nghiêm. Suốt ngày từ sáng đến tối, miệng thường nói chúng ta có cái tâm, đức Phật hỏi ngài A Nan: “Tâm ở chỗ nào?” Chân tâm và vọng tâm khoan bàn tới, trước hết, hãy hỏi quý vị tâm ở chỗ nào? Đem hỏi tôn giả A Nan câu này, tìm khắp nơi cũng chẳng thấy, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở khoảng giữa. Ngài A Nan nghiễm nhiên nghĩ tới bảy chỗ, bảy chỗ đều trật lất! Chúng ta chẳng thông minh như ngài A Nan, sợ còn chưa nghĩ được bảy chỗ! Do vậy, trước hết phải nhận biết cái tâm, rồi mới tu tâm. Tu tâm rồi mới biết dụng tâm.

“Nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ”
(Nếu ai biết cái tâm, đại địa không tấc đất).

Đây là nói về nhận biết cái tâm, vì sao một người nhận biết cái tâm thì đại địa không còn tấc đất? Câu này có nghĩa là gì? Tâm là Chân Như bổn tánh, đất là Tướng. Tâm ví như vàng, đất ví như đồ vật. Nếu quý vị nhận biết vàng, món đồ nào cũng đều là vàng, toàn thể là vàng, trong tâm mục của quý vị sẽ không còn có đồ vật nữa, ý nghĩa là ở chỗ này.

Trước hết, phải nhận biết, sau đó, tự mình phải tu, bắt đầu tu từ đâu? Bắt đầu tu từ Lý Thể của chân tâm, bản thể của chân tâm là gì? Bản thể là “trực tâm” trong Bồ Đề tâm, mà cũng là “chí thành tâm” như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói, chân thành đến cùng cực. Nói “thành tâm”, bản thân chúng ta đều cảm thấy tâm ta rất chân thành. Thật ra, cái tâm của quý vị đã sớm mê hoặc rồi! Quý vị đâu có tâm chân thành! Chữ Thành nên giảng như thế nào? Trong Cầu Khuyết Trai Bút Ký, tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa chữ Thành như sau: “Nhất niệm bất sanh, vị chi thành” (một niệm chẳng sanh gọi là Thành). Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối dấy vọng tưởng, suốt ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm, đâu có thành tâm!

Thành tâm là chân tâm, trong chân tâm đương nhiên không có vọng niệm. Có vọng niệm thì tâm chẳng thành. Có vọng niệm thì “thành tâm” biến thành “vọng tâm”. Trong thành tâm, chẳng sanh vọng niệm; trong vọng tâm, đương nhiên khởi lên vọng niệm. Do vậy, tâm biến thành vọng tâm, cũng là từ Chân Như bổn tánh biến thành A Lại Da, lại biến thành Mạt Na, biến lần thứ ba bèn thành sáu thức trước đó. Duy Thức gọi chuyện này là “tam năng biến”. Đấy là từ chân khởi vọng, đạo lý là như vậy đó.

Trước hết, chúng ta phải nhận biết chân tâm, nhận biết rồi mới lại tu tâm. Tâm phải tu như thế nào? Phải rèn luyện trong cảnh giới, trải qua sự việc để luyện tâm. Sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, cho đến ý biết pháp, rèn luyện trong ấy, rèn luyện thanh tịnh, giống như trong kinh Kim Cang, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy tôn giả Tu Bồ Đề, nhưng thật ra, đức Phật dạy chúng ta hãy rèn luyện cái gì? Rèn luyện “chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”. Rèn luyện điều này! “Chẳng giữ lấy tướng” là chẳng chấp tướng, chẳng động tâm, chẳng khởi niệm, đó là tu tâm. Tu cái tâm thanh tịnh của chính mình, mà cũng là chính mình chân thật thụ dụng.

Tâm càng thanh tịnh thì càng có thể khai ngộ. Tâm càng thanh tịnh thì phạm vi ngộ càng rộng lớn. Hễ chưa thể khai ngộ, đều là do vọng niệm quá nhiều, phiền não quá nặng. Phiền não và vọng tưởng đều là giả, trong chân tâm không có những thứ này. Chuyện này đã được giảng hết sức thấu triệt trong kinh Lăng Nghiêm, đặc biệt là trong đoạn kinh văn “thập phiên hiển Kiến” (mười phen chỉ rõ cái Thấy). Tánh Thấy là chân tâm, tánh Thấy là bất sanh bất diệt. Tánh Thấy vốn sẵn thanh tịnh, quyết định chẳng dính dáng tới vọng tưởng, phiền não! Điều này chứng minh trong chân tâm không có phiền não, chẳng có vọng niệm. Vọng niệm và phiền não đều từ vô minh sanh khởi, vô minh là mê

Tâm địa của chính mình đã thanh tịnh mới có thể lợi ích chúng sanh. Lợi ích chúng sanh là tâm đại bi muốn giúp đỡ chúng sanh, thành tựu hết thảy chúng sanh. Nếu tự tâm chẳng thanh tịnh, mà quý vị muốn học theo các vị đại Bồ Tát phổ độ hết thảy chúng sanh, thường là chẳng thể độ chúng sanh, mà chính mình cũng bị kéo xuống nước.