Phản văn văn tự tánh, Tánh thành vô thượng đạo
Trong kinh Lăng Nghiêm, pháp “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay ngược cái Nghe để nghe tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo) của Quán Thế Âm Bồ Tát chính là ý nghĩa này. Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta phương pháp xoay chuyển lục căn, đức Phật chỉ nêu ra một căn của sáu trần bên ngoài, quay ngược lại duyên theo tự tánh để nói: Hãy nên xoay ngược dòng của sáu căn, [chuyện đó] được gọi là “phản văn” , dùng chữ Văn (nghe) để biểu thị. Nói cách khác, lục căn chẳng duyên theo trần cảnh, mà duyên theo căn tánh của sáu căn, đó là đúng! Căn tánh của sáu căn là Chân Như bản tánh của chính mình.
Trong hội Lăng Nghiêm, đối với sáu căn, đức Phật nêu ra một căn là Nhãn Căn. Phần đầu của kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn rất dài, gọi là “thập phiên hiển kiến” (mười phen giảng rõ cái Thấy). “Kiến” ở đây chẳng phải là Nhãn Thức, chẳng phải là “ngũ câu ý thức” đồng thời khởi tác dụng với Nhãn Thức, chẳng phải là thứ ấy. Lìa khỏi Nhãn Thức lẫn ngũ câu ý thức; sau khi đã lìa khỏi, sẽ là kiến tánh. Kiến tánh là chân tánh, nơi mắt gọi là tánh Thấy, nơi tai là tánh Nghe, nơi mũi gọi là tánh Ngửi, là một tánh. Một tánh, chứ không phải là hai tánh! Có thể thật sự tìm được thứ này, bèn thành vô thượng đạo.
Vì lẽ này, Phật pháp được gọi là “nội học”, phải hướng nội, hồi quang phản chiếu, đừng duyên theo cảnh giới bên ngoài. Duyên theo cảnh giới bên ngoài, sẽ vĩnh viễn chẳng đạt được chân tướng. Đức Phật dạy chúng ta dùng phương pháp này để tu hành.
“Thể sát cứu thẩm”: “Thể” là dùng tâm để lãnh hội, trong tâm hiểu rõ là Sát . Ba chữ Sát , Cứu, Thẩm đều có nghĩa là “hiểu rõ”. Do lãnh hội mà hiểu rõ, chẳng phải là nghiên cứu hoặc tư duy, chẳng phải là suy luận. Hễ dùng những phương pháp ấy (nghiên cứu, tư duy, suy luận) sẽ đều sai bét, đều rơi vào tâm ý thức.
“Cúc kỳ căn nguyên” nghĩa là truy cứu đến tận cùng, thấu hiểu đến chỗ sâu thẳm. Chư vị ngẫm xem: Chúng ta có thể làm được ba câu ấy (“tức niệm phản quán, thể sát cứu thẩm, cúc kỳ căn nguyên”) hay không? Vì sao chúng ta chẳng làm được? Nói thật ra, tâm quá thô. Ở đây, tâm rất tế, tế tâm là gì? Tế tâm là định tâm, là tâm thanh tịnh. Do vậy, chúng ta hiểu rõ: Lý nhất tâm ở sau Sự nhất tâm. Quý vị chẳng đoạn phiền não, chẳng có cách nào thực hiện công phu này! Chúng ta còn có thị phi, nhân ngã, còn có tham, sân, si, mạn, còn có ưu lự, được, mất, sẽ chẳng có cách nào thực hiện công phu này. Người tâm địa hết sức thanh tịnh thì được, có thể thực hiện công phu này.
“Thể cứu chi cực”: Thể Cứu là định công (công phu định lực), Định chẳng phải là “tử định” (định lực chết cứng, cứng ngắc, chẳng hoạt bát, uyển chuyển). Nếu là tử định, trong ấy chẳng có Quán; còn Định có Quán, như trong phần trước đã nói là “tức niệm phản quán” (quán ngược lại ngay nơi niệm). Nói theo Giáo Hạ, sẽ là “Chỉ Quán song vận” (vận dụng Chỉ lẫn Quán); nói theo Thiền thì Thiền là Tĩnh Lự, Tĩnh là Định, Lự là Huệ, “Định Huệ đẳng trì” (giữ cân bằng Định và Huệ). Họ dùng công phu này, dùng đến mức kha khá, sẽ hoát nhiên khai ngộ. “Ư tự bổn tâm, hốt nhiên khế hợp” (Bỗng dưng khế hợp bản tâm của chính mình). Đấy là khai ngộ, nhà Thiền nói là “minh tâm kiến tánh”, trong Giáo Hạ nói là “đại khai viên giải”.
“Pháp” là vạn vật, diệu ở chỗ nào? Những gì mắt trông thấy là thấy sắc tánh (hoặc nói là “tánh sắc”). Những gì tai nghe là nghe tánh thanh, nói “tánh thanh” hay “thanh tánh”, ý nghĩa như nhau. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói: “Sáu căn tiếp xúc là diệu tánh”, đó chính là “kiến tánh”. Mắt thấy tánh, tai nghe tánh, mũi ngửi tánh, lưỡi nếm tánh, tay chạm tánh, chẳng có gì không phải là tánh. Thông thường, chúng ta dùng một chữ để biểu thị chung, minh tâm “kiến tánh”, kiến tánh bèn thành Phật.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra từ nơi đâu, sẽ diệt ngay từ nơi đó), gần như là sanh diệt đồng thời. Nếu các nhà khoa học đọc kinh Lăng Nghiêm, có lẽ khoa học sẽ tăng tấn, tiến cao hơn một nấc, có thể chứng minh chân tướng được nói trong kinh Phật. Nay chúng ta nghiên cứu theo phương hướng sai lầm, luôn nghĩ chúng có thứ tự, luôn nghĩ chúng có khởi nguyên. Đối với khởi nguyên của vũ trụ, sinh vật và nhân loại, [giới khoa học] luôn bảo là chúng có trước sau, không biết là chúng chẳng có trước sau.
Tình hình này có thể lãnh hội, kiểm nghiệm bằng mộng cảnh. Chúng ta nằm mộng, cảnh giới trong mộng bỗng dưng hiện tiền, cảnh giới ấy có trước sau hay chăng? Một thứ sanh, hết thảy đều sanh! Vừa tỉnh giấc, mộng cảnh chẳng còn nữa. Một thứ diệt, hết thảy đều diệt! Chẳng phải là diệt theo thứ tự, mà cũng chẳng phải là sanh theo thứ tự. Các hiện tượng trong toàn thể đại vũ trụ cũng là tình hình này, tỏ rõ ý nghĩa “tâm ấn bất hoại”. Năng và Sở đều bất hoại. Các hiện tượng được biến hiện chính là “tương tục tướng” (tướng liên tục). Các hiện tượng liên tục [xuất hiện và diệt mất] mà thôi, tìm sự sanh diệt đúng là tìm chẳng thấy. Nhập cảnh giới này, bèn gọi là “chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”.
“Vô Sanh” là hết thảy vạn pháp xác thực chẳng có sanh diệt. Chẳng có sanh diệt là vô sanh; vô sanh bèn vô diệt. “Pháp” là hết thảy các pháp. Nhẫn là thừa nhận. Quý vị đã thấy sự thật này, thừa nhận lời Phật dạy “hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt”, đó gọi là “chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”. Hết thảy các pháp bất sanh bất diệt là ý nghĩa “tâm ấn bất hoại”.