Pháp Môn Bất Nhị
Pháp môn bất nhị là pháp môn không hai. Nói cách khác là hai pháp môn không có những phân biệt. Nếu viết về ngộ nhập vào pháp môn bất nhị trên site nầy thì chắc phải dùng đến văn tự, ngôn ngữ. Thí dụ như:
– Sanh và diệt: Nếu quý vị hiểu rõ các pháp xưa nay không sinh cũng không diệt, chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh như thế nào.
– Ngã và Ngã Sở: Vì do chấp ngã nên chấp ngã sở. Nếu hiểu rõ không có ngã, cũng không có ngã sở.
– Hữu thủ và vô thủ: Hiểu rõ không thủ, không chỗ đắc. Vì không chỗ đắc nên không tăng, không giảm, không làm không nghỉ, không chấp trước vào tất cả pháp.
– Tạp nhiễm và thanh tịnh: Hiểu rõ tạp nhiễm và thanh tịnh là không hai thì không phân biệt, đoạn hẳn sự phân biệt, hướng đến dấu vết tịch diệt.
– Tán động và suy nghĩ: Hiểu rõ không bị tán động, không có đối tượng được suy nghĩ thì không tác ý, trụ vào không tán động, không có đối tượng được suy nghĩ thì không tác ý.
– Tướng và Vô Tướng: Hiểu rõ các pháp không có một tướng, không có tướng khác cũng không có không tướng, thì biết một tướng, tướng khác, không tướng ấy là bình đẳng.
– Bồ-tát và Thanh văn: Hiểu rõ tánh của hai tâm là không, như huyễn, không có tâm Bồ-tát, không có tâm Thanh văn. Tướng của hai tâm ấy bình đẳng đều như huyễn hóa.
– Thiện và bất thiện: Hiểu rõ tánh thiện và tánh bất thiện không có chỗ phát sinh. Tướng và vô tướng cả hai đều bình đẳng, không nắm bắt không buông xả.
– Có tội và không tội: Hiểu rõ có tội và không tội cả hai đều bình đẳng. Dùng tuệ kim cang mà thông đạt các pháp không buộc không mở.
– Hữu lậu và vô lậu: Hiểu rõ tánh của tất cả pháp đều bình đẳng. Ðối với lậu và vô lậu không có hai tưởng. Nếu không chấp vào hữu tưởng không chấp vào vô tưởng.
– Hữu vi và vô vi: Hiểu rõ tánh của hai pháp đều bình đẳng. Xa lìa các hành, giác tuệ như hư không. Trí tuệ thanh tịnh, không chấp lấy không xả bỏ
– Thế gian và xuất thế gian: Hiểu rõ bản tánh của thế gian là không tịch, không nhập, không xuất, không trôi, không tan, không mất, cũng không chấp trước.
– Sinh tử và Niết-bàn: Hiểu rõ tánh của sinh tử vốn là không, không có lưu chuyển, cũng không tịch diệt.
– Hữu tận và vô tận: Hiểu rõ hoàn toàn không có hữu tận và vô tận. Chủ yếu đạt rốt ráo tận mới gọi là tận. Nếu đạt rốt ráo tận thì không còn tận đó gọi là vô tận. Nghĩa là trong từng sát-na nhất định không có hữu tận tức là vô tận. Vì hữu tận không có nên vô tận cũng không có, biết rõ tánh của hữu tận và vô tận là không.
– Hữu ngã và vô ngã: Hiểu rõ hữu ngã còn không thể thủ đắc huống chi vô ngã, thấy tánh ngã và vô ngã không có hai.
– Minh và vô minh: Hiểu rõ bản tánh của vô minh là minh. Minh và vô minh cả hai đều không thể thủ đắc, không thể tính lường, vượt qua sự tính lường, trong ấy hiện quán bình đẳng không có hai.
– Sắc, thọ, tưởng, hành và thức với không: Hiểu biết tánh của thủ uẩn vốn là không . Sắc ấy là không, chứ chẳng phải sắc diệt mới là không. Cho đến thức uẩn cũng như vậy.
– Bốn giới và không: Hiểu biết bốn giới tức là tánh hư không. Tánh của bốn giới và không dù trước, giữa, sau đều không điên đảo nên tỏ ngộ đi vào các giới.
– Nhãn – sắc, nhĩ – thanh, tỷ – hương, thiệt – vị, thân – xúc, ý – pháp: Hiểu rõ tánh của tất cả đều là không. Thấy tự tánh của nhãn đối với sắc không tham, không sân, không si. Như vậy cho đến thấy tự tánh của ý đối với pháp không tham, không sân, không si. Như vậy đều là không. Ðã thấy như vậy rồi nên an trụ trong tịch tĩnh.
– Tánh bố thí với hồi hướng Nhất thiết trí: Như vậy, phân biệt tánh của giới, nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã và hồi hướng Nhất thiết trí đều là hai. Nếu hiểu rõ tánh bố thí tức là đã hồi hướng Nhất thiết trí. Tánh hồi hướng Nhất thiết trí ấy tức là bố thí. Như vậy, cho đến tự tánh của Bát-nhã tức là tánh hồi hướng Nhất thiết trí. Tánh hồi hướng Nhất thiết trí ấy tức là Bát-nhã.
– Không, Vô tướng và Vô nguyện: Hiểu rõ trong cái không ấy hoàn toàn không có tướng. Trong không tướng ấy cũng không có nguyện. Trong không nguyện này không có tâm, không có ý, không có thức để chuyển.
– Phật, Pháp, Tăng: Hiểu rõ tánh Phật là tánh Pháp – Pháp là tánh Tăng. Như thế, Tam bảo đều là tướng vô vi cùng đồng đẳng với hư không. Các pháp cũng như thế.
– Thân kiến với diệt thân kiến: Hiểu rõ thân kiến tức là diệt thân kiến. Biết rõ rốt ráo như vậy nên không khởi thân kiến. Ðối với thân kiến và diệt thân kiến không có phân biệt, không phân biệt khác, chứng đắc tánh diệt rốt ráo của hai pháp ấy không nghi ngờ, không sợ hãi.
– Ba loại luật nghi của thân, khẩu, ý: Hiểu rõ ba loại luật nghi ấy đều là tướng vô tác. Tướng ấy không có hai. Vì sao? Vì ba đạo nghiệp này đều là tướng vô tác. Tướng thân vô tác tức là tướng ngữ vô tác. Tướng ngữ vô tác tức là tướng ý vô tác. Tướng ý vô tác tức là tướng của tất cả pháp đều vô tướng. Nếu nhập vào tướng vô tạo tác, đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.
– Hành tội, hành phước và hành bất động: , Hiểu rõ hành tội, hành phước và hành bất động đều là tướng vô tác. Tướng ấy không có hai. Vì sao? Vì tánh tướng của hành phước, hành tội và hành bất động đều là không. Trong cái không ấy, không có sự khác nhau giữa ba hành tội, phước và bất động.
– Tất cả hai pháp do ngã mà phát sinh. Nếu biết thật tánh của ngã thì không khởi hai. Vì không phát khởi hai nên không phân biệt. Vì không phân biệt nên không có đối tượng để phân biệt.
– Tất cả hai pháp do có sở đắc mà phát sinh. Nếu biết rõ các pháp hoàn hoàn không sở đắc, không nắm bắt, không xả bỏ. Ðã không nắm bắt không xả bỏ.
– Sáng và tối: Nếu biết rõ thật tướng là không tối không sáng, tánh nó không có hai. Ví như Bí-sô nhập định diệt tận thì không có sáng không có tối. Tướng của tất cả các pháp cũng như vậy. Lãnh hội các pháp bình đẳng như thế.
– Thích Niết-bàn và chán sinh tử: Nếu biết rõ Niết-bàn và sinh tử không có gì thích hay chán thì không có hai. Vì sao? Vì nếu bị sinh tử trói buộc thì cầu giải thoát. Nếu hoàn toàn không còn sự trói buộc của sinh tử nữa thì cầu Niết-bàn giải thoát để làm gì? Thông đạt như vậy nên không còn trói buộc không giải thoát, không thích Niết-bàn không chán sinh tử.
– Chánh đạo và tà đạo: Nếu an trụ vào chánh đạo, hành tà đạo là hoàn toàn không hành. Vì không hành nên không có hai tướng chánh đạo và tà đạo. Vì trừ bỏ hai tướng nên không có hai giác. Nếu không có hai giác thì ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.
– Hư và thật: Nếu quán tánh của thật đế còn không thấy thật làm sao thấy hư. Vì sao? Vì tánh này chẳng phải do Nhục nhãn thấy, chỉ có Tuệ nhãn mới thấy. Khi thấy như vậy, đối với tất cả pháp không thấy, không phải là không thấy.
=======
Với những thí dụ trên, mặc dù đều hoàn hảo nhưng viết như vậy vẫn gọi là hai. Nếu đối với các pháp không viết, không nói, không năng, không biểu hiện, không chỉ thị, lìa các hý luận, dứt hẳn sự phân biệt, đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.
Chúng tôi có thể viết thêm một trăm bài luận và quý vị cũng có thể đọc thêm một ngàn bài luận kinh. Có thể hiểu sâu vào kinh pháp, nhưng cũng khó ngộ nhập vào pháp môn bất nhị?
Bởi vì sao? Vì muốn ngộ nhập vào pháp môn bất nhị. Trong đó hoàn toàn không có những phân biệt về văn tự, ngôn ngữ. Cho nên những lời viết chúng tôi đã viết cũng như không có viết. Các bài luận mà quý vị đã đọc cũng như chưa đọc. Những lời văn lý luận cũng không còn nữa. Đó mới là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.