Phương Pháp Trị Bệnh

Hành giả phải biết bị bệnh có ba thứ khác nhau:
1. Một là bệnh ngũ căn thêm bớt. Ngũ căn đó là thân, lưỡi, mũi, tai và mắt
2. Hai là bệnh do các quỉ thần làm, và do việc ma xúc não mà bị bệnh;
3. Ba là nghiệp báo gây bệnh.

Các bệnh như thế khi mới bệnh thì phải trị ngay thì rất dễ lành. Nếu để lâu thì bệnh thành, thân gầy ốm, trị khó hết
Về phương pháp trị bệnh, đã biết rõ bệnh từ nguồn gốc nào phát khởi thì phải làm theo cách thức mà trị.

 

1. Một là bệnh ngũ căn thêm bớt.

Thân bệnh, là thân thể đau ngứa, ghẻ nhọt, nhức mỏi…
Lưỡi bệnh, là lưỡi sưng lở, đau rát ăn uống mất vị.
Mũi bệnh, là mũi nghẹt, sổ mũi, sưng đau, v.v…
Tai bệnh, là tai ù, điếc, hoặc kêu o o…
Mắt bệnh là ma ét mờ đau xốn, sưng chảy ghèn, nước mắt v.v…

Cách trị bệnh có nhiều. Một là khí tức trị bệnh, đó là sáu cách thở và mười hai tưởng trong tâm . Thế nào là sáu cách:

1. Xuy (thổi) – để đuổi lạnh
2. Hô (thở ra hét) – để đuổi nóng
3. Hy (cười hy hy) – để đuổi đau và dùng để trị phong.
4. Ha (là hơi) – để đuổi phiền và để hạ khí
5. Hư (hà hơi) – để tan đàm, lại để tiêu mãn.
6. Thẩn (thở dài) – để bổ lao.

Sáu hơi thở này đều ở trong mỗi phương tiện chuyển trắc (đổi cách) mà làm. Nếu trị năm tạng:

  • Xuy và Hô có thể trị tim.
  • Hư để trị gan
  • Ha để trị phổi
  • Hy để trị tỳ
  • Thẩn để trị thận.

Lại nữa, có mười hai tức để trị được các bệnh:

  • Một là thượng tức – trị trầm nặng
  • Hai là hạ tức – trị hư huyền
  • Ba là mãn tức – trị gầy khô
  • Bốn là tiêu tức – trị thủng mãn
  • Năm là tăng trưởng tức – trị tổn
  • Sáu là diệt hoại tức – trị tăng
  • Bảy là noãn tức – trị lạnh
  • Tám là lãnh tức – trị nóng
  • Chín là xung tức – trị ủng kết chẳng thông
  • Mười là trì tức – trị rung động
  • Mười một là hòa tức – trị bốn căn chẳng hòa
  • Mười hai là bổ tức – giúp bồi bổ bốn căn

Mười hai thứ tức này đều tưởng trong tâm mà dùng, để đối trị các bệnh.

Khéo dùng tức này có thể trị khắp các bệnh. Dùng sai chỗ đều sinh ra các bệnh. Hãy suy ra mà biết. Các Sư dùng tức trị bệnh có rất nhiều phương pháp, v.v… chẳng thể nói hết. Nay lược bày một, hai điều để biết đại ý.

 

2. Hai là bệnh do các quỉ thần làm, và do việc ma xúc não mà bị bệnh

Ma Quỷ có bốn thứ: Một là ma phiền não. Hai là ma Ấm nhập giới. Ba là ma chết. Bốn là ma Thiên tử cõi Dục.

1. Ma phiền não, tức là ba độc, chín mươi tám sử, thủ hữu lưu ách phược cái, triền não kiết, v.v… đều phá hoại việc tu đạo

2. Hai là ma Ấm giới nhập là năm Ấm, mười hai nhập, mười tám giới tất cả gọi là sắc hệ phược chúng sinh. Ấm ngăn che gốc lành thanh tịnh công đức trí tuệ của hành giả, làm cho không lớn lên được nên gọi là Ma. Ðó là Ấm nhập cõi dục cho đến Ấm giới nhập Sắc và Vô Sắc cũng giống như thế. Nếu hành giả tâm không dứt thọ trước thì đều gọi là Ma. Nếu chẳng thọ chẳng đắm, quán như hư không thì chẳng bị che chướng, tức là phá nghiệp ma.

3. Ba là ma chết, là tất cả sinh tử nghiệp báo trôi lăn chẳng dứt đều gọi là Ma. Lại nữa, nếu hành giả muốn phát tâm tu đạo liền bị bệnh mà chết, hoặc bị người khác hại, chẳng thể tu đạo, liền bị bỏ phế. Nay tu tập Thánh đạo cho đến đời sau, nhân duyên chuyển khác, quên mất bản tâm đều gọi là việc ma. Lại nữa, khi hành giả phải tu đạo thì lo chết chẳng sống liền yêu đắm thân ấy mà chẳng tu đạo, cũng thuộc về ma chết.

4. Bốn là ma trời, tức là Ba-tuần. Ma này là kẻ thù của Phật pháp, thường sợ hành giả ra khỏi cõi ma nên sai các quỉ thần quyến thuộc làm các thứ não loạn phá hoại gốc lành của hành giả, đó là ma trời Tha Hóa Tự Tại.

4 loại ma quỷ nầy thường tới phá các vị tu hành. Nếu quý vị muốn biết thêm chi tiết thì nên đọc quyển thứ 9 và 10 trong kinh Lăng Nghiêm. 2 quyển nầy nói rõ về 50 ma cảnh.

Phương pháp trị bệnh là dùng chú thuật trị bệnh. Muôn pháp đều có đối trị, dùng tướng mà nhàm chán, khéo biết pháp thuật ấy mà dùng, đều lành bệnh cả. Chú pháp ấy từ các kinh trong Mật Tông. Thuật pháp thì các Sư dấu kín, phần nhiều chẳng truyền bừa. Trong đại tạng kinh thì có Chú Lăng Nghiêm, Thập Chú, Chú Đại Bi và các bài chú trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, v.v..

Nếu không học mật chú thì phải dùng ba pháp thiền định để trừ bỏ ma nghiệp.

  • Một là phải biết chỗ thấy, nghe, hay, biết là không thật có, chẳng thọ nhận, chẳng mê đắm, cũng chẳng lo sợ, cũng chẳng phân biệt thì nó liền không hiện.
  • Hai là chỉ quán trở lại tâm thấy, nghe, hay, biết kia chẳng thấy có chỗ sinh, làm sao não loạn được. Khi quán như thế thì chẳng thọ, chẳng phân biệt, chúng liền tự tan biến
  • Ba là nếu thực hành quán này chẳng bỏ đi ngay, chỉ nên chánh niệm chớ sợ hãi, chẳng mê đắm, thân mạng, chánh tâm bất động, biết ma giới Như thì Phật giới Như, Ma giới Như thì Phật giới Như, một Như không hai Như. Không bỏ Ma giới, không theo ma giới, tức Phật pháp hiện tiền, Ma tự tan biến. Ðã chẳng thấy đến đi, cũng chẳng lo mừng. Nếu ma quỷ hiện hình thành hổ báo đến ăn thịt quý vị, phải biết đó việc đó là không thật, phải biết đó là giả dối. Biết như thế thì tâm không còn sợ hãi.

 

3. Ba là nghiệp báo gây bệnh.

Nếu là nghiệp bệnh thì phải nhờ tu phước sám hối chuyển đọc tụng thì bệnh sẽ tự hết. Hai là dụng tâm chủ cảnh mà trị bệnh. Tâm phụ trách quả báo trong một thời kỳ, ví như vua đến chỗ nào thì giặc phải tan. Tâm vương cũng thế, hễ chỗ nào có bệnh sinh trụ tâm trong ấy trải lâu chẳng tan thì bệnh liền dứt hết. Lại có thầy nói dụng tâm trụ vào Ưu-đà-na, Hán dịch là Ðan điền, cách rún 2,5 tấc về phía dưới (2,5 lóng tay) thì trị được nhiều bệnh. Dụng tâm trong ngồi thiền để trị bệnh thì phải có đủ mười pháp thì đều có ích lợi. Mười pháp đó là:

Một là tin. Hai là dụng. Ba là siêng năng. Bốn là thường trụ trong duyên. Năm là biết do đây mà khởi. Sáu là phương tiện. Bảy là làm lâu. Tám là biết lấy bỏ. Chín là khéo giữ gìn. Mười là biết ngăn che.

1. Tin, nghĩa là tin pháp này có thể trị bệnh

2. Dụng, tức là lúc nào cũng dùng

3. Siêng, là chuyên tinh dùng chẳng thôi, lấy hạn được làm mức

4. Thường trụ trong duyên, là tế tâm niệm niệm, y pháp chẳng ta tán loạn

5. Riêng biết bệnh do đâu khởi lên, là biết nguyên nhân bệnh khởi như trên nói

6. Phương tiện, là lấy bỏ duyên tưởng vận tâm khéo léo thành tựu, chẳng thất nghi

7. Làm lâu, nếu dụng mà chưa có ích ngay thì chẳng kể ngày tháng thường thực hành chẳng bỏ

8. Biết lấy bỏ, nghĩa là biết có ích thì siêng làm, dùng có lại thì bỏ đi, dần dần chuyển tâm mà trị

9. Biết giữ gìn, nghĩa là khéo biết duyên lạ phạm xúc

10. Ngăn che, nghĩa là được lợi ích thì chẳng nói ra ngoài, chưa được và tổn hại thì chẳng chê bai nghi ngờ.

Nếu y theo mười pháp này mà trị thì chắc chắn có công hiệu.