Thập Tâm của Chú Đại Bi

Chú đại bi – được gọi là đại từ đại bi tâm đà la ni. Đại từ bi tâm là cái tâm đầu tiên trong thập tâm của chú đại vi. Thập tâm đó là:

  1. Tâm Đại Từ Bi
  2. Bình Đẳng Tâm
  3. Vô Vi Tâm
  4. Vô nhiễm trước tâm
  5. Quán tâm không
  6. Tâm cung kính
  7. Ty hạ tâm
  8. Vô tạp loạn tâm
  9. Vô kiến thủ tâm
  10. Tâm Vô Thượng Bồ Đề

 

Ðà la ni dịch là tổng trì, tức là tổng tất cả các pháp, trì vô lượng nghĩa, cũng có thể nói là nhiếp ba nghiệp (thân khẩu ý) thanh tịnh, giữ sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý). Nhiếp tâm là nhiếp tâm giữ thân. Nhiếp tâm thì có thể đắc được tam muội, đại định. Giữ thân tâm thì có thể đắc được Ðà la ni.

Làm thế nào có thể nhiếp thân khẩu ý ba nghiệp thanh tịnh ? Tức là thân chẳng phạm giới sát, trộm, dâm ba điều ác, miệng chẳng phạm nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi và chưởi mắng bốn điều ác, ý chẳng phạm tham sân si ba điều ác. Chẳng phạm mười điều ác này, mà thực hành mười điều thiện, thì ba nghiệp sẽ thanh tịnh.

Làm thế nào giữ mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn tự tại diệu dụng ? Nếu ba nghiệp thanh tịnh, thì sáu căn tự nhiên sẽ được thanh tịnh. Thanh tịnh rồi thì tự nhiên thì sẽ đắc được cảnh giới sáu căn dụng với nhau.

Ðà la ni còn dịch là chú. Chú hay sinh thiện diệt ác, bảo hộ hành giả được cát tường như ý. Chú cũng giống như chiếu chỉ của hoàng đế, quan dân nhất định phải tuân lệnh. Lại giống như khẩu lệnh ở trong quân đội, người trong quân đội đều biết rõ, nếu không thì sẽ bị xử phạt, hoặc có sự nguy hiểm đến tính mạng.

Bài viết hôm nay, chúng ta sẽ nói rõ về thập tâm trong chú Đại Bi.

 

Tâm Đại Từ Đại Bi: Lòng Từ thường đem lại niềm vui cho chúng sinh. Bi có công năng làm cho mọi khổ nạn của chúng sinh được tiêu trừ. Cho nên được gọi là “Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ. Đây là cái tâm đầu tiên cho nên khi chúng ta tụng chú Đại Bi, chúng ta trì cúi đầu đảnh lễ các chư Phật, Bồ Tát và các vị thánh hiền, chúng ta đảnh lễ chú đại bi qua câu “Ma ha ca lô ni ca da”

Ma Ha có 3 nghĩa: lớn, nhiều và thù thắng.
Ca lô – Hán dịch là “Bi”
Ni ca – nghĩa là “Tâm”
Da – nghĩa là đảnh lễ

Toàn câu chú Ma ha ca lô ni ca da có nghĩa là: “Cúi đầu đảnh lễ thần chú Đại bi tâm Đà la ni.

Người tu hành phát tâm đại thừa thì trước tiên phải phát tâm đại từ đại bi, có nghĩa là phải có cái tình thương yêu. Trong ý niệm lòng Từ Bi bảo hộ, che chở cho mọi loài. Thế nên lòng từ bi của bậc Hiền giả, Bồ tát thường đem đến sự bao bọc, che chở cho mọi loài chúng sinh.

 

Bình Đẳng Tâm: là cái tâm thứ hai trong thập tâm. Trong chú đại bi đây là câu “Tát bà”, có nghiã là tất cả cũng có nghiã là bình đẳng.

Tát bà tát bà. Hán dịch là “nhất thiết lợi lạc”. Câu chú này bao hàm cả Bảo thủ nhãn ấn pháp, nghĩa là mang đến mọi thứ lợi lạc cho mọi người. Phàm phu chúng ta luôn luôn mang tất cả lợi lạc về cho riêng mình. Các vị Phật và Bồ Tát thì mang tất cả lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Tâm của các vị lúc nào cũng muốn phát tâm bình đẳng. Ngay cả các vị thánh hiền trong kinh chúa trời cũng dạy chúng ta thương yêu người hàng xóm cũng như yêu thương chính mình (Love your neighbor as yourself).

Tâm bình đẳng còn được gọi là bình đẳng tánh trí, có nghiã là trong tâm quý vị không có sự khác biệt giữa ta và vật đối tượng. Đó là tâm không còn sự ràng buộc của chủ thể và đối tượng.

Nên Tát bà biểu tượng cho ý thứ hai trong mười tâm, là “bình đẳng tâm”.

 

Vô Vi Tâm là cái tâm thứ ba trong thập tâm. Trong chú đại bi là câu “tát bà a tha đậu”. Tát bà là bình đẳng tâm. A tha đậu là vô vi tâm.

A tha đậu dịch nghĩa là “phú lạc vô bần” giàu có, an lạc, không nghèo nàn về tâm linh, đạo lý, Phật pháp. Còn dịch nghĩa là “như ý bất diệt”.

“Như ý” nghĩa là ước nguyện điều gì cũng đều được thành tựu.
“Bất diệt” nghĩa là sự thành tựu do nguyện ấy vĩnh viễn không tiêu mất.

Trong mười loại tâm thì đây là “vô vi tâm” nghĩa là “phú lạc vô bần” và “như ý bất diệt”.

 

Vô nhiễm trước tâm là tâm chảng bị nhiễm trước lục trần. Tâm này giúp cho quí vị duy trì bản tâm thanh tịnh của chính mình. Khi quí vị khởi tâm niệm tham, sân, si, mạn, nghi… thì tâm quí vị liền bị ô nhiễm, không còn thanh tịnh nữa. Khi tâm quí vị không mong khởi những niệm ô nhiễm ấy, thì tâm quí vị được thanh tịnh.

Trong chú đại bi là câu “Hê rị ma ha bàn đa sa mế”.
Hê rị có nghĩa là vô nhiễm trước tâm. Khi tâm không bị ô nhiễm thì ánh sáng đại quang minh được tỏa sáng. Cho nên vô nhiễm trước tâm đi trước với tâm đại quang minh.

Ma Ha có nghiã là đại. Bàn đa sa mế dịch nghĩa là “đại quang minh” hay là “Trường chiếu mệnh” nghĩa là ánh sáng thường chiếu soi rộng khắp mọi nơi.

Toàn câu chú “Hê rị ma ha bàn đa sa mế” có nghiã là “Tâm đại quang minh”. Nghĩa là khi tâm của quý vị không còn bị ô nhiễm thì ánh sáng của tâm lực, quang minh của tâm lực thường chiếu rộng khắp, mãi mãi siêu việt cả không gian vô cùng, thời gian vô tận. Từ một vi trần cho đến vô cùng vô tận thế giới đều có sự hiện hữu của ánh sáng ấy.

Vậy tu hành như thế nào mới có được tâm đại quang minh? Đó là tu hành qua tâm thứ 5

 

Quán tâm không – Tâm Không Quán – có nghiã là phải hồi quang phản chiếu. Soay ngược lại. Đừng dùng thức để tu hành, vì dùng thức sẽ mang tới cái tâm phân biệt, cái tâm điên đảo. Nhìn sâu vào chính mình thì mới biết được trên thân thể của chúng ta không có cái vật gì gọi là tâm, không có cái gì gọi là ngã. Mọi thứ trên thế gian đều do cái vô minh, cái ngu si.

Bàn đà sa mế dịch nghĩa là “đại quang minh” hay “trường chiếu minh”, tiêu biểu cho nghĩa thứ năm trong mười nghĩa của tâm, đó là “quán tâm không”. Thông qua “quán tâm không”, hành giả mới có được trí tuệ. Với trí tuệ, hành giả mới có được quang minh. Có được quang minh, mới tỏa chiếu, soi sáng khắp mọi pháp giới được. Tức là không còn tối tăm, mê muội, tức là không còn vô minh.

Sao gọi là “vô minh”, vì tâm của quí vị không có được sự tỏa chiếu soi sáng khắp mọi pháp giới, do vì quí vị không có được “đại quang minh”. Nếu quí vị có được “đại quang minh” thì tâm quí vị liền có được sự tỏa chiếu soi sáng khắp mọi pháp giới, có nghĩa là quí vị đã chuyển hóa được vô minh. Một khi vô minh đã bị chuyển hóa sạch rồi, thì pháp tánh hiển hiện, đây chính là trí tuệ chân thật của quí vị.

 

Tâm Cung Kính – là tâm kính lễ chư Phật: Hạnh nguyện thứ nhất của ngài Phổ Hiền Bồ Tát là kính lễ chư Phật. Lễ chính là có lễ phép, có lễ độ. Lễ là một hình thức biểu hiện sự cung kính của người này đối với người kia. Quý vị đối với người có lễ phép, người khác đối lại quý vị cũng sẽ có lễ phép. Lễ là một trong Ngũ Thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Con người sở dĩ khác với loài cầm thú là vì có lễ. Nếu con người mà không có lễ thì cũng chẳng khác gì loài cầm thú. Vì sao phải lễ phép? Vì chúng ta có tâm cung kính đối với những người chung quanh, nên mới hành lễ. Chúng ta cung kính một người hẳn phải được biểu hiện thành lễ. Đối với Chư Phật, chúng ta càng phải thể hiện sự lễ phép cung kính.

Tại sao chúng ta phải có tâm cung kính? Bởi vì càng cung kính thì càng dễ rời bỏ cái ngã mạn. Khi chúng ta không sanh tâm cung kính khi lễ bái Phật thì đó gọi là sanh mạn lễ. Ngã mạn lễ là thấy người khác lễ bái, mình cũng lễ, nhưng tướng ngã hoàn toàn chưa bỏ, lạy Phật mà chẳng chút tự nhiên, và luôn tự hỏi: Tôi lạy Phật để làm gì? Tôi đâu cần phải lạy ông ta? Do vậy nên lạy một cách không hoan hỷ, rất miễn cưỡng. Hoặc có người thấy người khác lễ Phật, ai cũng lạy mà mình không lạy thì mình nổi bật quá, cảm thấy ngượng nên lạy theo. Tuy lễ Phật nhưng tướng ngã không mất, ngã mạn vẫn còn.

 

Ty hạ tâm – Tâm khiêm nhường là tâm rất cung kính và tùy thuận bất kỳ người nào mình gặp. Trong chú đại vi là câu “A thệ dựng”.

A thệ dựng la tiếng Phạn, dịch nghĩa “vô tỷ pháp”. Không có pháp nào có thể so sánh được với pháp này. Còn có nghĩa là “vô tỷ giáo” nghĩa là không có đạo giáo nào có thể so sánh được.

Câu chú này biểu tượng cho tâm thứ bảy, được gọi là “ty hạ tâm”, là tâm rất cung kính và tùy thuận bất kỳ người nào mình gặp.

 

Vô tạp loạn tâm là tâm không bị tạp loạn, cấu nhiễm. Câu chú này còn biểu tượng cho tâm thứ tám, gọi là “vô tạp loạn tâm”. Đây chính là pháp thanh tịnh, không chút cấu nhiễm, chính là pháp bát nhã tâm của Quán Thế Âm Bồ – tát.

 

Vô kiến thủ tâm là tâm không khấp giữ – Trong chú đại vi là 2 chữ “Du bằng” trong câu “Tát bà a tha đậu du bằng.”

Du bằng dịch là “nghiêm tịnh vô ưu”, là thanh tịnh và trang nghiêm. Trang nghiêm lại thêm thanh tịnh, cho nên không có sự lo phiền, ưu não. Câu chú này biểu tượng cho tâm thứ chín “Vô kiến thủ tâm”. Kiến thủ là một trong năm món “ngũ lợi sử”. Nghĩa là khi quí vị vừa trông thấy một vật gì, tâm liền khởi niệm muốn chiếm đoạt, giữ lấy.

Nên với tâm thứ chín – vô kiến thủ tâm là trạng thái không có mảy may vọng động về sự chấp thủ đối với pháp và ngã; đối với chủ thể cũng như khách thể; đối với ngoại cảnh cũng như dòng chuyển biến của thức tâm.

 

Tâm Vô Thượng Bồ Đề – phát nguyện tâm. Trong chú đại bi là câu “Ma Ha bồ đề tát đỏa”, nghĩa là quí vị tự phát nguyện. Con nhất quyết thực hành theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, sẽ giáo hoá cho tất cả chúng sanh. Con nguyện nương theo giáo pháp Ngài đã dạy mà tu hành

Không những phát tâm mà còn “Y giáo phụng hành”. Nương theo lời dạy của Bồ tát Quán Thế Âm cũng như Quán Thế Âm của tự tâm để thực sự tu trì.

Ma ha có nghĩa là phát “đại” nguyện, tâm vô thượng

Bồ đề có nghĩa là “giác đạo”, là giác ngộ được đạo lý chân chính.

Tát đoả. Hán dịch là “đại dũng mãnh giả”. Câu này có nghĩa chư vị Bồ tát là người phát tâm đại bồ đề rất dũng mãnh và phát tâm tu hạnh Bồ đề.

Phát bồ đề tâm nghĩa là gieo trồng nhân giác ngộ, tu bồ đề hạnh là vun trồng, tưới tẩm cho hạt giống bồ đề đã gieo được nảy mầm, rồi mới mong gặt được quả giác ngộ, tức là quả vị Vô thượng bồ đề.

===========

 

Thập tâm là tướng của Đà la ni. Năng lực của thần chú có thể chữa lành tất cả mọi tật bệnh và làm cho đài gương chiếu tội sáng ngời ngời.

Không những hằng ngày trì tụng chú đại bi, mà phải phát thập tâm. Chúng ta phải đem những đạo lý này hành trì không xao nhãng và không gián đoạn. Chúng ta tu tập theo tinh thần của kinh Đại bi tâm Đà la ni thì chắc chắn sẽ thành tựu đạo nghiệp, đắc thành chánh quả.