Thong dong, Thảnh thơi và Thoải mái
Người đời trên thế gian cho rằng tình yêu trai gái là hạnh phúc, có nhiền tiền thì mới đủ phương tiện làm cho thân được thoải mái. Nhưng cái thoải mái đó phải trả một cái giá rất là to lớn. Cái sự thoải mái đó không phải là thoải mái tự tại viên mãn. Bởi vì khi qua một đêm ăn chơi ngủ ngon, thì quý vị phải thức dậy sớm đi làm kiếm tiền.
Cho nên những thứ hưởng thụ đó nên gọi là thọ dụng, chớ không phải là hưởng thọ chánh thường, đại tự tại. Người tu hành cũng có thọ dụng, cơm nước, áo quần. Nhưng cái thọ dụng đó không có nhiễm trước. Buông xả nghĩa là không nhiễm trước một tí gì hết, không nhiễm trước chẳng có nghĩa là không có sự thọ dụng. Tất cả đều có thể thọ dụng, vì tất cả đều không nhiễm trước, cho nên sự thọ dụng này được gọi là ‘chánh thọ’, trong kinh nói đến ‘tam muội’, ‘tam muội’ là tiếng Phạn có nghĩa là ‘hưởng thọ chánh thường’
Nếu có thể nhìn thấu, buông xuống thì đời sống sanh hoạt của quý vị sẽ được thong dong, thảnh thơi và thoải mái. Trong kinh gọi cảm giác nầy là tự tại. Ðời sống được tự tại mới là đời sống hạnh phúc thật sự. Sự biểu hiện trong đời sống nhất định phải nhìn thấu; nhìn thấu nghĩa là hiểu rõ ràng minh bạch chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Trong kinh nói giác ngộ triệt để, thấu triệt rồi, đó gọi là ‘hành’. Hành Bồ Tát đạo trên sự nhìn thấu; sau khi nhìn thấu thì không thể nào không buông xả được. Tại sao vậy? Bởi vì quý vị sẽ thấy được sự đại tự tại, thong dong, thảnh thơi, thoải mái.
Bạn xem câu đầu trong Tâm Kinh: ‘Quán Tự Tại Bồ Tát’, chữ ‘quán’ ở đây là ‘nhìn thấu’, quán là trí huệ, trí huệ chân thật. Nhìn thấy chân tướng sự thật của vũ trụ rõ ràng minh bạch. Buông xả nghĩa là không nhiễm trước một tí gì hết. Hưởng thọ chánh thường khác với sự hưởng thọ của quý vị hiện nay ở chỗ nào? Trên ‘sự’ thì hoàn toàn giống nhau. Quý vị mặc áo, Phật, Bồ Tát cũng mặc áo. Quý vị ăn cơm, các ngài cũng ăn cơm, có gì khác nhau?
Nhưng bên trong đích thật có chỗ khác biệt. Quý vị mặc áo, ăn cơm có chấp trước. Các Ngài mặc áo, ăn cơm không có chấp trước; cho nên các Ngài mặc áo ăn cơm vui vẻ tự tại. Khi quý vị mặc áo, ăn cơm không được xứng tâm vừa ý, áo rộng, đồ ăn không ngon hay thiếu một món thì không vừa lòng. Tại sao quý vị lại không thấy thoải mái? Bởi vì quý vị buông xả không nổi? Nhìn không thấu! Cho nên không được tự tại.
Vậy làm thế nào để đạt được đại tự tại? Trước hết thì phải nhìn thấu để dễ dàng buông xả. Khi buông xả rồi, thì đừng có phan duyên, than thở. Khi đối mặt với người hay vật chất, quý vị phải tùy duyên chớ không phan duyên. Nếu bạn phan duyên thì tâm thanh tịnh của bạn hoàn toàn mất hết. Trong lúc phan duyên bạn có phiền não, sanh ra tri kiến, tâm chân thành của bạn bị che lấp hoàn toàn, không thể hiển lộ ra ngoài.
Nếu người tu hành mỗi ngày trong tâm đều phải suy nghĩ, bận tâm, tìm mọi cách kiếm tiền để xây chùa, để hóa duyên, thì có phải như vậy mệt quá phải không? Còn tự tại gì được nữa! Có an lạc gì đâu! Sự khổ này từ đâu đến? Tự quý vị phan duyên mà thôi! Không có người đem khổ đến cho quý vị, đều là do quý vị tự tạo, phải hiểu rõ đạo lý này. Công việc tu hành xây cất chùa, tượng Phật là điều tốt, nên làm, nhưng phải tùy duyên của chúng sanh. Nếu quý vị phan duyên, thì cái đó sẽ làm tăng trưởng lòng tham, sân, si, mạn, tăng trưởng phân biệt, chấp trước của quý vị.
Trong kinh Bát Nhã: Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngã uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách.
- Quán là nhìn thấu
- Tự Tại là thong dong, thảnh thơi và thoải mái
- Bồ Tát hành thâm là tu hành, tùy duyên phổ độ chúng sanh qua
- Bát nhã ba la mật đa
- Bố thí là buông xả tâm tham.
- Trì giới là buông xả ác niệm.
- Nhẫn nhục là buông xả tâm sân nhuế, đố kỵ
- Tinh tấn là buông xả giải đãi, làm biếng.
- Thiền định là buông xả tán loạn.
- Bát nhã Ba La Mật là nhìn thấu
- Thời chiếu kiến là nhìn thấu mọi thời: quá khứ, hiện tại và tương lai
- Ngũ uẩn giai không là thế giới vô thường, bi khổ
- Độ nhất thiết khổ ách là giải thoát các khổ để được an lạc tự tại
Cho nên tu hành là nhìn thấu để dễ dàng buông xả. Khi buông xả thì sẽ được tự tại trong cuộc sống. Dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi mà tuỳ duyên hóa độ chúng sanh. Khi không phổ độ chúng sanh thì quý vị tu hành như thiền, mật tông, niệm Phật hay đọc chép kinh. Qua lời dạy của đức Phật, quý vị hiểu sâu, nhìn thấu thế giới vô thường, bi khổ nầy. Buông xả những thứ thói quen tật xấu như tham sân si. Sống với cái tâm thường trụ, an lạc tự tại. Khi đạt được tự tại thì quý vị không còn cái ngã cái tôi, lúc đó sẽ dễ dàng tùy duyên phổ độ chúng sanh. Chân ngã Tịnh tu. Đó cũng là pháp môn tu hành theo kinh Kim Cang để sống với ‘Thường Lạc Ngã Tịnh”.