Buông Xả Để Nhìn Thấu
Nhìn Thấu là trình độ hiểu rõ đối với trạng thái sanh diệt hiện thực. Nếu quý vị không hiểu rõ, ham mê luyến tiếc thế gian thì đương nhiên sẽ không buông xuống nổi. Cho nên, hơn phân nửa những người niệm Phật vãng sanh là người già bảy tám chục tuổi. Vì họ nhìn thấy nhiều, từng trải nhiều, biết hết thảy những việc trong thế gian đều là hư ảo không thật. Bất luận sinh sống trong cảnh thuận hoặc nghịch, trải qua một thời gian dài thì sẽ chán chường. Sinh sống cảm thấy chán ghét, không muốn ở lại thêm nữa, đến lúc này thì buông xuống hết.
Đối với tuổi trẻ, họ cảm thấy thế gian này còn rất đẹp đẽ, vẫn còn muốn sống thêm vài năm nữa. Thậm chí muốn sống thêm vài chục năm, vài trăm năm nữa. Họ không thể nào buông xả. Buông xuống hết không nổi thì công phu tu hành làm sao có thể đắc lực cho được!
Cho nên trẻ nên tập nhìn thấu, còn già nên buông xả
Buông xả và nhìn thấu là hai việc khác nhau, nhưng lại là hai việc bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu quý vị có thể buông xả một phần thì quý vị sẽ nhìn rõ, nhìn thấu thêm một phần. Nếu có thể nhìn thấu một phần thì quý vị có thể buông xả thêm một phần. Vậy tu hành như thế nào thì dễ buông xả và nhìn thấu mọi việc.
Trong kinh đức Phật dạy chúng ta buông xả là buông xả phiền não, buông xả dục vọng, chứ không phải buông xả công việc làm.Tu hành thì phải siêng năng, chứ không phải làm biếng, ngồi một chổ đợi Phật Tử đến cúng dường nấu cơm dưng nước. Ngược lại còn phải nỗ lực hết lòng làm việc. Nếu cả công việc làm, tu hành cũng buông xuống thì đức Phật không cần phải giảng kinh thuyết pháp.
Trong kinh Kinh Cang, Lục Độ Ba La Mật:
Bố thí là buông xả tâm tham.
Trì giới là buông xả ác niệm.
Nhẫn nhục là buông xả tâm sân nhuế, đố kỵ
Tinh tấn là buông xả giải đãi, làm biếng.
Thiền định là buông xả tán loạn.
Bát nhã Ba La Mật là nhìn thấu, tức là minh bạch, rõ ràng. Cho nên lục độ Ba La Mật quy nạp lại tức là 4 chữ: ‘Buông xả & Nhìn thấu’.
Trong kinh Lăng Nghiêm và Kinh Hoa Nghiêm, thập hạnh được gọi là thập độ. Tóm tắt lại là các hạnh của lục độ Ba La Mật. Năm hạnh đầu tiên là buông xả. Năm hành cuối là nhìn thấu.
- Hạnh hoan hỉ là pháp môn bố thí của Bồ Tát tu. chẳng những tự mình hoan hỉ, mà cũng khiến cho chúng sinh hoan hỉ.
- Hạnh nhiêu ích là pháp môn trì giới của Bồ Tát tu, đều là lợi ích chúng sinh, khiến cho chúng sinh đắc được ấm no và đầy đủ.
- Hạnh vô vi nghịch là pháp môn nhẫn nhục của Bồ Tát tu, chẳng trái ngược với mình, cũng chẳng trái ngược với chúng sinh.
- Hạnh vô khuất nhiễu là pháp môn tinh tấn của Bồ Tát tu, cũng chẳng khiến cho mình khuất nhiễu, cũng chẳng khiến cho chúng sinh khuất nhiễu.
- Hạnh vô si loạn là pháp môn thiền định của Bồ Tát tu, thân tâm chẳng điên đảo, vì có định lực, nên hạnh chẳng loạn.
- Hạnh thiện hiện là pháp môn Bát Nhã của Bồ Tát tu, thấu rõ pháp thế gian là vô thường, khổ, không, vô ngã; và hiểu rõ pháp xuất thế là thường, lạc, ngã, tịnh.
- Hạnh vô trước là pháp môn phương tiện của Bồ Tát tu, có cảnh giới sự lý chẳng trì trệ, dùng phương tiện khéo léo để độ chúng sinh.
- Hạnh nan đắc là pháp môn nguyện của Bồ Tát tu, là đại nguyện đại hạnh, đại từ đại bi, độ khắp chúng sinh.
- Hạnh thiện pháp là pháp môn lực của Bồ Tát tu, có trí huệ lực, mới thực hành tất cả pháp lành.
- Hạnh chân thật là pháp môn trí của Bồ Tát tu, lời nói việc làm đều chẳng hư vọng, tất cả đều chân thật.
Quy nạp thập hạnh lại cho gọn là 4 chữ: ‘Buông xả & Nhìn thấu’
Muốn minh bạch hết tất cả sự vật và đạo lý trong pháp giới, thật không phải dễ dàng. Pháp quan trọng nhất của người tu đạo, là ý nghiệp thanh tịnh, tức cũng là buông xả các hành vi tam độc: tham sân si. Nên điều phục các tư tưởng cang cường. Đối với tất cả chúng sinh, quý vị đều hữu hảo thân thiện. Lìa khỏi được tất cả sự hí luận, thì chẳng tạo khẩu nghiệp. Vì chẳng có lỗi lầm, cho nên oai quang viên mãn, được tất cả chúng sinh khâm phục cung kính. Ðó là nhìn thấu và thấy rõ các Bồ Tát đạo tối thù thắng.
Ý nghiệp thanh tịnh cực điều thiện
Ly chư hí luận vô khẩu nghiệp
Uy quang viên mãn chúng sở khâm
Bỉ tối thắng giả hành tư đạo.