Tướng và Tánh
Suốt cuộc đời, đức Phật thuyết pháp trong nhiều bộ kinh, và mỗi bộ kinh đức Phật giảng một phương pháp tu hành khác biệt cho tám mươi bốn ngàn phiền não. Nếu phương pháp tu hành hoàn toàn giống nhau, cần gì phải giảng hai thứ? Tuy phương pháp khác nhau nhưng mục đích vẫn là dẫn dắt chúng ta ra khỏi vòng luân hồi sanh tử và từ từ đắc quả vị Phật. Vì vậy phương pháp tu hành được nói trong hết thảy các kinh khác nhau, nhưng thể tánh của hết thảy các kinh giống nhau.
Phần đông Phật Tử Việt Nam có duyên với Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. “Tông” là phương pháp tu hành. Thiền Tông là dốc sức tu tập từ Vô Tướng, đi theo Không môn. Cũng có nghĩa là nói “phải lìa hết thảy tướng”, giống như kinh Kim Cang đã nói “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, “vô pháp tướng, diệc vô phi pháp tướng”. Tức là chẳng có pháp tướng, mà cũng chẳng phải là không có pháp tướng, họ nhập môn từ chỗ này.
Theo pháp môn Tịnh Đô, Kinh A Di Đà dạy chúng ta phương pháp cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoàn toàn khác kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang dạy quý vị trong tâm một niệm chẳng sanh, dùng phương pháp ấy. Kinh A Di Đà mong mỏi chúng ta phát tâm cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Kinh Kim Cang từ Tánh môn mà nhập, kinh Di Đà theo Tướng môn mà vào. Nay chúng ta sẽ luận thêm 2 chữ Tánh và Tướng để thấu hiểu rõ sự khác nhau và giống nhau giữa hai Tông. Trước tiên chúng ta luận tiếp về cái khác nhau trong phương pháp tu hành.
Khác Nhau
Nói tới tông thú khác nhau! Kinh A Di Đà này dạy chúng ta phương pháp cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh Kim Cang dạy quý vị trong tâm một niệm chẳng sanh, dùng phương pháp ấy. Kinh A Di Đà mong mỏi chúng ta phát tâm cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, nên đối với y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc. Chẳng hạn như Kinh A Di Đà nói đến lan can, lưới mành, hàng cây, ao báu, lầu gác, hoa sen, thiên nhạc, mưa hoa, cho đến A Di Đà Phật hóa thành các loài chim, thọ mạng, quang minh, y báo, chánh báo, giảng cặn kẽ, rõ ràng, nói những chuyện ấy để làm gì? Nói những chuyện ấy nhằm mong mỏi chúng ta sẽ dấy lòng ưa chuộng, hâm mộ, nên Kinh A Di Đà khác kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang buộc quý vị phải rỗng không tất cả ý niệm trong tâm; Kinh A Di Đà chẳng vậy. Kinh A Di Đà khiến cho quý vị dấy lòng mong mỏi, tâm chẳng rỗng không. Do vậy, có thể biết: Thiền Tông là từ Không mà vào, còn Tịnh Tông từ Hữu mà vào, khác nhau!
Kinh Kim Cang nói: “Dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai” (Dùng ba mươi hai tướng để thấy Như Lai), lại nói: “Ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng” (Đối với pháp, chẳng nói đến tướng đoạn diệt), có ý nghĩa ấy, bảo quý vị hãy lìa tướng từ ngay nơi tướng.
Trên thực tế, có thể lìa tướng hay không? Chắc chắn chẳng thể lìa tướng! Bảo quý vị “lìa tướng” chính là bảo quý vị đừng chấp tướng, “không chấp” là gì? Trong tâm đừng nghĩ tới nó, chớ nên chấp trước nó, đó là “lìa tướng”
Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”, chẳng phải là bên ngoài vốn chẳng có một vật, bên ngoài thứ gì cũng có, nhưng trong tâm chẳng có. Chư vị phải biết: “Lìa tướng” là tâm lìa tướng, chẳng phải là thân lìa tướng, thân chẳng lìa được! Ví như cái thân, ta lìa tướng bèn vào chốn núi thẳm, tìm một cái hang để tu hành trong ấy. Quả núi đó vẫn là tướng, hang vẫn là tướng, quý vị vẫn chẳng có cách nào rời lìa! Tuyệt đối chẳng phải là vào núi thẳm tu hành lìa tướng! “Lìa” là tâm lìa!
Có những kẻ nói: “Rất hâm mộ người nào đó, phước khí thật to, có thể vào núi thẳm tu hành”. Tu mấy chục năm trong non sâu, nhưng nếu đến đô thị một chuyến, hết thảy đều trắng tay! Vì chẳng trải qua khảo nghiệm! Thật sự tu hành thì tu hành ở nơi đâu là tốt nhất?
1. Tu trong nghịch cảnh, điều gì cũng đều chẳng vừa lòng, điều gì cũng trái ý. Nói cách khác, phiền não nặng nhất là sân khuể, hãy đoạn nó trước hết. Đến khi chính mình thật sự chẳng có tâm sân khuể. Tôn giả Ca Diếp đại biểu khổ hạnh, nghịch cảnh. Ngài là một vị đại phú trưởng giả, là con em nhà giàu có xuất gia, suốt đời tu khổ hạnh, tu trong nghịch cảnh
2. Tu trong thuận cảnh, cảnh giới thứ hai là trừ khử tâm tham, đó là thuận cảnh. Kinh Hoa Nghiêm đại biểu tu trong thuận cảnh. Năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm, năm mươi ba vị đều là đại thiện tri thức. Chỉ có sáu vị xuất gia, những vị khác đều là tại gia, nam, nữ, già, trẻ, các ngành các nghề đều có! Họ đều là Phật, Bồ Tát.
Trong thuận cảnh, đoạn tâm tham.
Trong nghịch cảnh, đoạn tâm sân khuể.
Tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm, chẳng chấp hết thảy các pháp. Nếu nói rõ hơn một chút là chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước hết thảy các pháp! Đó là “lìa” tướng để thấy tánh. Đó là vài cái khác nhau trong phương pháp tu hành. Bây giờ luận về cái giống nhau trong các tông.
Kinh Kim Cang từ Tánh môn mà nhập, kinh Di Đà theo Tướng môn mà vào. Tánh và tướng giống nhau chỗ nào?
Giống Nhau
Tánh là tánh của tướng, tướng là tướng của tánh. Tuyệt đối chẳng phải là nói phải từ bỏ tướng, giữ lấy kiến tánh. Chẳng có đạo lý ấy! Tướng là tánh. Hảo tướng là tánh, ác tướng cũng là tánh, thuận cảnh là tánh, nghịch cảnh vẫn là tánh. Thiên đường do Chân Như bổn tánh biến hiện, A Tỳ địa ngục vẫn do Chân Như bổn tánh biến hiện. Tướng tuy khác nhau, tánh giống hệt. Quý vị kiến tánh, cũng có nghĩa là nói tâm quý vị thật sự bình đẳng, Bình Đẳng Tánh Trí! Tâm bất bình bèn chẳng kiến tánh; tâm thật sự bình đẳng liền kiến tánh.
Tịnh độ tông theo tướng mà vào, khuyên dạy Phật tử thật thà niệm một câu A Di Đà Phật đến cùng. Vì sao? Bởi vì tướng là tướng của tánh. Trong Chân Như bổn tánh vốn sẵn trọn đủ, hiện thời còn thiếu cái duyên thành Phật. Chẳng phải là nói rời khỏi tánh có riêng một tướng, chẳng có đạo lý ấy! Tướng là tướng của chính ngay tánh, tánh là tánh của chính cái tướng ấy, là một mà hai, tuy hai mà một. Cho nên kinh Lăng Nghiêm nói: Thân ta nằm trong vũ trụ và vũ trụ nằm trong tâm ta.
Thật tắc tướng bổn tự không, duy tâm, duy thức – Thật ra, tướng vốn là không, duy tâm, duy thức. Theo lý luận và sự thật, không chỉ nói Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoặc cảnh giới trước mắt chúng ta là như vậy, mà có thể nói là thế gian trước mắt, xuất thế gian, các cõi Phật đều chẳng ra ngoài lệ ấy, toàn là tự tâm biến hiện, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.
Nhìn qua tấm hình đá trong bài nầy, quý vị thấy những viên đá lớn nhỏ, ước khô, nằm hay đứng. Những viên đá nầy chồng nhau thành một hòn núi nhỏ. Khi xưa, núi nhỏ thì không có hiện hữu. Khi chúng tôi đi qua khu bãi biển nầy, chúng tôi khởi tâm và dựng đá thành núi nhỏ. Đó là duy tâm sở hiện. Sau vài tiếng đồng hồ, khi biển nước lên cao, một luồng sống lớn đập vào và cái núi nhỏ nầy sập đổ. Khi mắt thấy những viên đá ngã rớt xuống, nhãn thức cho rằng hòn núi đã biến mất. Đó là duy thức sở biến.
Khi những viên đá chồng chất lên nhau nó trở thành một hồn núi nhỏ. Núi là tướng và đá là tánh. Cho nên nói rằng đá là đá của núi, và núi là núi của đá. Trước khi chúng tôi tới bãi biển, hòn núi (tướng) đó không có. Và sau khi sống biển xô ngã những viên đá, cái núi nhỏ cũng không còn. Núi nhỏ dựng lên rồi sập xuống, nhưng những viên đá vẫn là những viên đá. Cái tướng núi không còn, nhưng cái tánh núi vẫn còn đó.
Mọi người trên trái đất nầy cũng vậy, có người tốt người xấu, cao thấp, giàu nghèo, xấu đẹp, nhưng mọi người vẫn là người. Ai ai cũng có bổn tánh là Phật. Đừng nhìn người mà khen chê, quý vị lìa tướng thì sẽ thấy cái chân tâm Phật tánh của mọi người. Trong Kinh Kim Cang nói khi tâm lià tướng thì sẽ thấy tánh. Kinh A Di Đà khuyên ta lúc ban đầu có thể mượn cái tướng để thấy cái tánh. Mượn cái tướng hay câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” để nhiếp cái tâm, Nhất Tâm Niệm Phật, và từ đó đi tới Vô Tâm Niệm Phật, tức là lià tướng để thấy tánh. Và cuối cùng đi đến “Ly Tâm Niệm Phật”, đó là Tâm có khả năng tạo tác bị tiêu trừ, và cảnh giới do tâm ấy làm cho trở thành không cũng tiêu trừ luôn, đến mức cũng chẳng còn cái không. Ly Tâm đó là ý niệm núi dựng núi sập, núi sanh núi diệt cũng không còn. Không còn sở, không còn diệt, chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Vì thế, thiền tông nói tướng là rỗng không, tướng là giả hữu, nó được gọi là Diệu Hữu, chẳng thật! Trước nói được không, vô trước, vô sanh là triệt ngộ pháp ấy, nay do giải khởi tu, do tu đến chứng. Lòng ôm pháp niệm, thảy được tan hoang, không dính tất cả hý luận phân biệt, mà an trụ vô sanh pháp tánh, ấn khế chơn như, bặt vọng cảnh khi mê dao động. Cốt là: chánh quán chẳng lìa chánh định, cho nên gọi trí. Chánh định chẳng lìa chánh quán, cho nên gọi nhẫn. Chỉ quán không hai, tịch chiếu đều tròn, ấy gọi là vô sanh pháp nhẫn, cũng có thể gọi vô sanh pháp trí.
Sau khi chư vị đọc đoạn luận văn này, nếu có thể thấu hiểu sâu xa trạng huống của cuộc sống trước mắt, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần trước mắt cũng giống như thế, quý vị mới có thể đạt được thụ dụng. Quý vị biết hết thảy tướng chúng ta trông thấy trước mắt là tướng của tánh, tánh gì vậy? Tự tánh của chính mình, hết thảy các tướng ấy là Tướng Phần trong tự tánh của ta. Tự tánh của ta có thể hiện, có thể biến, cái được hiện, được biến là cảnh giới sáu trần mà sáu căn đang tiếp xúc.
Lìa khỏi tự tánh, chẳng có pháp nào khác. Như vậy thì quý vị mới rời khỏi hết thảy những vọng tưởng “lấy, bỏ, được, mất” trong hết thảy cảnh giới. Trong hết thảy cảnh, không lấy, không bỏ, chẳng được, chẳng mất, tâm được tự tại, thanh lương tự tại! Bởi lẽ đó, tâm được thanh tịnh và dần dần tiếp cận, tương ứng với chân tâm.